“Thị trường vốn đang ở mức kỷ lục, nên tin bất lợi về thuế quan sẽ không giúp ích cho thị trường. Càng nói nhiều về thuế quan, thị trường càng kém vui”...Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (7/7), sau khi Tổng thống Donald Trump gửi thư tới một loạt quốc gia thông báo mức thuế quan có hiệu lực đối với hàng hóa mỗi nước vào Mỹ từ ngày 1/8. Giá dầu thô tăng vì những dấu hiệu của sự thắt chặt nguồn cung bất chấp OPEC+ có động thái tăng sản lượng nhiều hơn kỳ vọng.Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 422,17 điểm, tương đương giảm 0,94%, còn 44.406,36 điểm. Chỉ số SP 500 mất 0,79%, còn 6.229,98 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,92%, còn 20.412,52 điểm. Với mức giảm như vậy, đây là phiên giảm mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ giữa tháng 6.Trong ngày đầu tuần, Mỹ đã gửi đi 14 bức thư thông báo thuế quan mà ông Trump áp lên 14 quốc gia nhận được thư, có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump chia sẻ ảnh chụp màn hình các bức thư thông báo thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa mỗi nước gửi tới lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Lào và Myanmar. Sau đó cùng ngày, ông đăng 7 bức thư áp thuế quan nữa, gửi lãnh đạo các nước Bosnia and Herzegovina, Tunisia, Indonesia, Bangladesh, Serbia, Campuchia và Thái Lan.Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết sẽ có thêm nhiều thư áp thuế quan nữa được Mỹ gửi đi trong những ngày tới. Cùng ngày, ông Trump ký một sắc lệnh lùi thời hạn áp thuế suất cao hơn của thuế đối ứng tới ngày 1/8 thay cho ngày 9/7 như kế hoạch ban đầu.Đây mới chỉ là những tuyên bố đầu tiên trong một loạt tuyên bố về thương mại mà ông Trump dự kiến sẽ đưa ra sau kỳ nghỉ Quốc khánh Mỹ. Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC ngày thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent nói sẽ có một số tuyên bố nữa trong vòng 48 giờ tiếp theo, và bày tỏ kỳ vọng “đó sẽ là hai ngày bận rộn”.Trong một diễn biến gây lo ngại khác, ông Trump dọa áp thêm thuế quan 10% lên những nước đi theo “chính sách chống Mỹ của nhóm BRICS”, nhưng không nói cụ thể đó là chính sách nào. Lời cảnh báo này được ông Trump đưa ra trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh BRICS - nhóm gồm một loạt các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, với các nước chủ chốt là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đang diễn ra ở Brazil.“Thị trường vốn đang ở mức kỷ lục, nên tin bất lợi về thuế quan sẽ không giúp ích cho thị trường. Càng nói nhiều về thuế quan, thị trường càng kém vui”, nhà quản lý danh mục Jed Ellerbroek của công ty Argent Capital Management nói với CNBC.Hôm thứ Năm tuần trước, SP 500 và Nasdaq cùng đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy.Cú giảm mạnh của cổ phiếu Tesla cũng gây nhiều áp lực giảm điểm lên thị trường trong phiên đầu tuần. Tesla mất gần 7% giá trị sau khi CEO Elon Musk vào cuối tuần công bố ý định thành lập một chính đảng mới có tên “Đảng Mỹ”. Nhà đầu tư không hứng thú với việc ông Musk lấn sân sang chính trị, cho rằng việc này đã gây tổn thất cho thương hiệu và doanh số của Tesla.Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,28 USD/thùng, tương đương tăng 1,87%, chốt ở mức 69,58 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,93 USD/thùng, tương đương tăng 1,39%, đạt 67,93 USD/thùng.Trong phiên, có lúc giá dầu Brent giảm còn hơn 67 USD/thùng và giá dầu WTI giảm còn hơn 65 USD/thùng vì áp lực đến từ việc OPEC+ vào cuối tuần vừa rồi quyết định tăng sản lượng khai thác dầu thêm 548.000 thùng/ngày trong tháng 8.OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Trước cuộc họp vào ngày 5/7 của OPEC+, giới quan sát dự báo khối này chỉ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng trong tháng 8, bằng với mức tăng đã áp dụng trong tháng 5, 6 và 7.“Hiện tại, thị trường vẫn đang trong tình trạng thắt chặt về cung, nên có thể hấp thụ được lượng dầu khai thác thêm”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS giải thích về phiên tăng này của giá dầu.Theo nhà phân tích Helima Croft của công ty RBC Capital, với quyết định tăng sản lượng mới nhất của OPEC+, khối này đã đưa trở lại gần 80% số 2,2 triệu thùng dầu/ngày trong kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện của 8 nước thành viên tham gia kế hoạch. Tuy nhiên, mức tăng sản lượng trên thực tế đến nay ít hơn nhiều so với những gì được thống nhất và chủ yếu đến từ Saudi Arabia.Ngân hàng Goldman Sachs dự báo OPEC+ sẽ tăng sản lượng nốt 550.000 thùng/ngày còn lại trong chương trình giảm sản lượng nói trên khi nhóm họp vào ngày 3/8 để đưa ra mức sản lượng cho tháng 9.Hiện tại, mối lo về thuế quan đang gây áp lực giảm lên giá dầu, nhưng mặt khác, xu hướng mất giá của đồng USD cũng hỗ trợ giá dầu.-Bình Minh