“Ngay cả khi không có bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách trong tuần họp này, tôi cho rằng sẽ có những dấu hiệu về một bước ngoặt sắp đến trong lộ trình chính sách”...Theo giới chuyên gia, trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong tuần này, giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết tâm giữ nguyên lãi suất trong một thời gian nữa. Dù vậy, rất có khả năng sẽ diễn ra một cuộc tranh luận ngày càng gay gắt trong nội bộ Fed, và điều đó sẽ củng cố kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào mùa thu.Chủ tịch Fed Jerome Powell đang chịu áp lực lớn từ Tổng thống Donald Trump và giới chức Nhà Trắng về việc giảm chi phí lãi vay. Chưa hết, ông Powell có thể phải đối mặt với nhiều ý kiến bất đồng trong cuộc họp diễ ra trong hai ngày 29-30/7, từ các quan chức Fed có quan điểm muốn hỗ trợ thị trường lao động đang tăng trưởng chậm lại.Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,5% trong cuộc họp tuần này, vì các nhà hoạch định chính sách giữ quan điểm muốn chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế để thấy rõ hơn tác động của thuế quan đối với giá tiêu dùng ở Mỹ. Nhưng tín hiệu mới về giảm lãi suất là điều mà các nhà phân tích mong đợi“Ngay cả khi không có bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách trong tuần họp này, tôi cho rằng sẽ có những dấu hiệu về một bước ngoặt sắp đến trong lộ trình chính sách”, bà Sarah House, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Wells Fargo, nhận định với hãng tin Bloomberg. “Nhưng tất nhiên, hầu hết các thành viên của Fed dường như chưa đi đến bước ngoặt đó, vì họ vẫn còn cảnh giác với rủi ro lạm phát liên quan tới thuế quan”.Các hợp đồng tương lai lãi suất trên thị trường tài chính Mỹ đang cho thấy nhà đầu tư đang đặt cược nhiều vào khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo diễn ra vào tháng 9. Nhà đầu tư sẽ lục tìm trong tuyên bố sau cuộc họp của Fed và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed để tìm kiếm những dấu hiệu xác nhận khả năng đó.Quyết định về lãi suất lần này của Fed sẽ được đưa ra vào một tuần bận rộn với nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố, bao gồm báo cáo việc làm hàng tháng dự kiến được công bố vào thứ Sáu. Các nhà kinh tế dự báo số liệu việc làm sẽ cho thấy hoạt động tuyển dụng lao động chậm lại trong tháng 7 khi trong bối cảnh sự bất định xung quanh chính sách thương mại của Trump tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế và kinh doanh.NỘI BỘ BẤT ĐỒNGNhiều nhà phân tích nhận thấy khả năng sẽ có bất đồng quan điểm từ Thống đốc Fed Christopher Waller và Phó chủ tịch Fed phụ trách giám sát Michelle Bowman. Hai người này đều là những thành viên Fed được ông Trump bổ nhiệm, và đều bày tỏ lo ngại rằng lãi suất cao đặt ra do rủi ro ngày càng lớn đối với thị trường lao động - việc làm.Ông Waller đã phát tín hiệu về sự bất đồng quan điểm của ông vào đầu tháng này, nói rằng Fed nên hành động ngay bây giờ để hỗ trợ một thị trường lao động “đang trên bờ vực”. Bà Bowman cũng cho biết vào tháng 6 rằng bà có thể ủng hộ việc cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 7 nếu áp lực giá cả vẫn được kiềm chế. Nếu cả ông Waller và bà Bowman đều bỏ phiếu phản đối việc giữ nguyên lãi suất trong lần họp này, thì đây sẽ là lần đầu tiên có hai thống đốc Fed hành động như vậy kể từ năm 1993.Ông Waller được coi là một trong những ứng cử viên mà ông Trump đang xem xét để thay thế ông Powell khi nhiệm kỳ Chủ tịch Fed của ông Powell kết thúc vào tháng 5/2026. Một số nhà bình luận không mấy lo ngại về sự bất đồng có thể xuất hiện trong cuộc bỏ phiếu sắp tới ở Fed. Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng hai ý kiến bất đồng của ông Wall và bà Bowman, nếu có, chẳng qua là một sự “thử vai cho cương vị chủ tịch Fed hơn là có liên quan đến các điều kiện kinh tế”.Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của công ty KPMG, lưu ý rằng sự bất đồng là điều thường thấy mỗi khi Fed gần đến các bước ngoặt chính sách. “Nên lường trước sự bất đồng khi Fed tiến gần hơn đến chỗ quyết định thời điểm cắt giảm lãi suất, xét tới việc chính sách thuế quan còn bất định”, bà Swonk viết trong một báo cáo.Trong khi ông Waller và bà Bowman ngày càng tập trung vào nhiệm vụ tạo công ăn việc làm của Fed, hầu hết các quan chức Fed khác vẫn lo ngại hơn về lạm phát. Sự không chắc chắn về mức độ ảnh hưởng của thuế quan đến lạm phát và cách Fed nên ứng phó đã thể hiện rõ trong các dự báo mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra vào tháng 6. Trong số 19 quan chức thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), có 10 người muốn cắt giảm lãi suất ít nhất hai lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, trong năm nay, và 7 quan chức không muốn có một lần giảm nào.ÔNG POWELL SẼ NÓI GÌ?Các báo cáo lạm phát gần đây cho thấy giá cả đã tăng đối với một số hàng hóa bị ảnh hưởng bởi thuế quan, bao gồm đồ chơi và thiết bị gia dụng. Nhưng mặt khác, lạm phát cơ bản theo chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng ít hơn dự kiến trong tháng Sáu, cho thấy áp lực giá cả vẫn chưa trở nên lan rộng. “Với cách xử lý lạm phát sau Covid, một số quan chức Fed thận trọng hơn rằng thuế quan có thể mất nhiều thời gian hơn để gây ảnh hưởng đến lạm phát” - trưởng chiến lược lãi suất Mỹ John Briggs của ngân hàng đầu tư Natixis, nhận xét. Natixis kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục chu kỳ nới lỏng của mình vào tháng 10 và có một loạt đợt cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi lần cho đến tháng 6/2026.Trong cuộc họp báo vào ngày thứ Tư, ông Powell gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về thuế quan và lạm phát. Ông có khả năng sẽ vẫn thận trọng, lặp lại thông điệp của mình rằng các quan chức có nghĩa vụ duy trì sự ổn định giá cả với lạm phát vẫn ở trên mục tiêu 2% của Fed. Chủ tịch Fed cũng có thể thừa nhận rằng dữ liệu tốt hơn mong đợi và các thỏa thuận thương mại mới được công bố gần đây làm giảm khả năng xảy ra kịch bản tồi tệ nhất cho lạm phát, lặp lại những bình luận của các quan chức khác trong những tuần gần đây và để ngỏ cánh cửa cho việc cắt giảm vào tháng 9.Đến thời điểm các nhà hoạch định chính sách Fed có cuộc họp tiếp theo vào ngày 16-17/9, họ sẽ có thêm hai báo cáo việc làm, cùng với nhiều dữ liệu hơn về lạm phát, chi tiêu và nhà ở. Theo chuyên gia Andrzej Skiba tại công ty RBC Global Asset Management, đến lúc đó, Fed có thể ở vào vị thế phù hợp để hạ lãi suất trừ khi có một sự leo thang mạnh mẽ về thuế quan hoặc dữ liệu lạm phát gây bất ngờ theo hướng tăng cao.Cho đến nay, các nhà kinh tế chưa thể giải thích được tại sao thuế quan chưa gây ra tác động lớn hơn đến giá cả ở Mỹ. Một loạt các yếu tố có thể đang kìm hãm tác động này, bao gồm các việc doanh nghiệp tăng mạnh lượng hàng tồn kho trước khi thuế quan có hiệu lực và chia sẻ gánh nặng trên toàn bộ chuỗi cung ứng - theo ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng của EY-Parthenon. “Tôi cho rằng Chủ tịch Powell sẽ làm nổi bật những yếu tố này và đồng thời cũng nói rằng áp lực tăn giá do thuế quan đang bắt đầu xuất hiện”, ông Daco nói với Bloomberg.-An Huy